Xu hướng giao tiếp của thế kỷ 21 gắn liền với cụm từ mạng xã hội Online – nơi con người thể hiện cá tính, bản thân và hòa nhập với cộng đồng.
Mạng xã hội Online
Mạng xã hội online (Online Social Network) là nơi nối kết các thành viên cùng sở thích trên Internet không phân biệt không gian và thời gian, thông qua các dịch vụ mạng xã hội (Social Network service).
Mạng xã hội Facebook có khoảng 500 triệu thành viên trên toàn thế giới
Tính năng nổi trội của mạng xã hội là chat, e-mail, chia sẻ file… Các dịch vụ này cho phép tìm kiếm bạn bè theo nhiều cách khác nhau: dựa theo group, thông tin cá nhân, sở thích hoặc các lĩnh vực quan tâm.
Mạng xã hội xuất hiện lần đầu tiên là trang kết nối bạn học Classmates.com, sau đó là trang giao lưu kết bạn SixDegrees.com năm 1997.
4 năm sau, Friendster.com xuất hiện và trở thành một trào lưu mới tại Mỹ với hàng triệu thành viên ghi danh.
Năm 2004, MySpace ra đời với các tính năng mới (như embedded video) đã nhanh chóng thu hút hàng chục nghìn thành viên mới mỗi ngày. Trong vòng một năm, MySpace trở thành mạng xã hội đầu tiên có lượng truy cập lớn hơn cả Google.
Đến 2006, Facebook đánh dấu bước ngoặt mới cho hệ thống mạng xã hội trực tuyến với nền tảng lập trình “Facebook Platform” cho phép thành viên tạo ra những công cụ (apps) cá nhân. Kể từ khi Facebook ra đời, mạng xã hội dần trở nên phổ biến và trở thành xu hướng giao tiếp trong thời đại mới.
Mạng xã hội thế giới và Việt Nam
Hiện nay trên thế giới có hàng trăm trang mạng xã hội online đang tồn tại.
Theo bảng xếp hạng truy cập của Alexa, Facebook giữ vị trí thứ 2 và là mạng xã hội có nhiều lượt truy cập và thường xuyên nhất. Tiếp theo là Twitter số 10, MySpace số 12, Linkedin số 29 và Flickr số 33. Ngoài ra, một số mạng xã hội khác ít được biết đến ở Việt Nam cũng đều giữ vị trí cao trong bảng xếp hạng này: Friendster vị trí thứ 146, Tumblr số 245.
ZingMe có khoảng 5.1 triệu thành viên
Facebook có tỉ lệ truy cập cao nhất ở Canada và ở Royaume-Uni. Rất nhiều nhân vật nổi tiếng cũng sử dụng mạng xã hội này như tổng thống Mỹ Barack Obama, ông hoàng nhạc Pop Michael Jackson, Megan Fox ( nữ diễn viên của Transformer)…
Tại Việt Nam, Facebook có khoảng hơn 1 triệu người dùng và hiện là mạng xã hội có cộng đồng người sử dụng đông đảo nhất, bao gồm cả các ca sỹ, diễn viên nổi tiếng. Facebook cũng là mạng xã hội đầy “tai tiếng” khi bị cấm tại một số quốc gia trong đó có Trung Quốc và Việt Nam. Tại các công sở, Facebook cũng bị hạn chế do tốn thời gian sử dụng dịch vụ.
Bên cạnh Facebook, các trang mạng xã hội khác như Twitter, MySpace thịnh hành trong thị trường Bắc Mỹ và Tây Âu; Orkut và Hi5 tại Nam Mỹ; Friendster tại Châu Á và Thái Bình Dương, CyWorld tại Hàn Quốc và Mixi tại Nhật Bản …
Tại Việt Nam, sau khi Yahoo! 360 đóng cửa vào năm 2009 thì thời kỳ hoàng kim của mạng xã hội mới lên ngôi. Ngoài Facebook, một số mạng xã hội trong nước cũng dần lớn mạnh và có vị trí nhất định như ZingMe, Yume, TamTay và mới đây nhất là Go.vn.
Mạng xã hội ZingMe hiện tại có khoảng 5.1 triệu thành viên với lượt truy cập trung bình 450 triệu lượt/tháng. Theo thống kê của ZingMe, đối tượng chủ yếu sử dụng mạng xã hội này là học sinh, sinh viên (chiếm 75% lượng người dùng).
Sau ZingMe, Go.Vn được xây dựng tập trung vào giao tiếp, giải trí, giáo dục và tương tác với người dùng trên cả Internet, di động và truyền hình.
Ngoài các trang mạng xã hội tổng hợp thì các mạng xã hội mang đặc trưng riêng như chia sẻ link (Linkhay, tagVN), chia sẻ video như (clip.vn, youtube), chia sẻ ảnh (Flickr)…cũng thu hút được rất nhiều thành viên tham gia.
Ứng dụng trên mạng xã hội
Hiện nay, mạng xã hội trở thành xu hướng giao tiếp có sức thu hút mạnh mẽ nhờ tính kết nối và tùy biến cao.
Người ta có thể sử dụng mạng xã hội theo nhu cầu của tập thể: marketing trực tuyến (thu hút lượng truy cập, tương tác với khách hàng, thăm dò ý kiến); tìm kiếm nhà tài trợ và quảng cáo, PR website, thu hút sự quan tâm của cộng đồng… Các cá nhân có thể chia sẻ thông tin, đăng các thông báo event, tìm kiếm bạn bè…
Ứng dụng Barn Buddy trên Facebook
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng các ứng dụng, trò chơi, chia sẻ thành tích hoạt động với các người chơi khác cùng mạng, tạo các nhóm Group, Fan Page tập trung những người có cùng sở thích, quan điểm cá nhân… một cách dễ dàng.
Đây cũng là nơi bạn có thể “kiếm tiền” bằng cách sáng tạo ứng dụng, trò chơi, thu hút quảng cáo hoặc bán các item ảo trên game. FarmVille của Facebook là một ví dụ điển hình của ý tưởng kiếm tiền kiểu này. Có thể nói mạng xã hội online đã hiện thực hóa “giấc mơ kiếm tiền trên mạng” của bất cứ cá nhân nào.
Với các ứng dụng mang tính cộng đồng cao, mạng xã hội đã phát triển không ngừng và trở thành xu hướng giao tiếp của thế kỷ mới – nơi người dùng có thể thể hiện bản thân, gia nhập xã hội và chia sẻ thông tin một cách hữu hiệu nhất.