Cách làm bánh Trung thu lạnh Singapore ra sao gần đây được mọi người không ngừng quan tâm dù chỉ mới nghe qua cái tên của nó lần đầu cũng tạo được cảm giác tò mò, thú vị. Webnauan.vn sẽ bật mí bí quyết làm nên món bánh ngon này bằng công thức bên dưới giúp các bạn tham khảo, am hiểu nhiều hơn kiến thức nghệ thuật làm bánh Trung thu hiện đại. Giờ thì sẵn sàng giấy bút để lưu lại bạn nhé!
1. Nguyên liệu
Phần vỏ bánh
- 200gr bột bánh dẻo
- 150gr đường bột làm bánh trung thu
- 50gr shortening
- 100ml sữa tươi không đường
- 10ml tinh dầu hoa bưởi
Phần nhân bánh
- 200gr đậu xanh
- 70gr đường
- 50ml dầu ăn hoặc dầu dừa
2. Cách làm bánh Trung thu lạnh Singapore thực hiện như thế nào?
Cách làm bánh trung thu lạnh Singapore dễ thực hiện lắm đấy nha. Chỉ cần theo từng bước hướng dẫn dưới đây, bạn sẽ nhanh chóng hoàn thành công thức nấu ăn ngon này thôi!
2.1. Cách làm nhân bánh
Bước 1: Rửa sạch đậu xanh với nước lạnh, trộn đậu đã rửa với đường và ngâm trong 200ml nước ấm từ 2 – 3 tiếng cho đậu nở mềm. Sau khi đậu đã nở mềm, cho đậu vào nồi, đổ ngập nước, đun cho đến khi sôi,hớt hết bọt nổi lên, rồi hạ nhỏ lửa và ninh nhừ đậu. Khi đậu bắt đầu sôi, nhớ mở hé nắp vung nồi ra để ninh tránh làm đậu trào ra ngoài.
Bước 2: Sau khi đậu đã nhừ, để nguội bớt rồi đổ vào máy say sinh tố, xay đến khi đậu thật nhuyễn ra thì thôi. Có thể cho thêm một chút nước để xay đậu dễ hơn.
Bước 3: Lọc đậu đã xay qua rây cho hỗn hợp thật mịn, không chứa cặn và tạp chất rồi bắt đầu quá trình sên nhân.
Chuẩn bị một chiếc chảo chống dính, đổ hỗn hợp đậu vừa xay vào khuấy đều tay. Vừa khuấy vừa cho từng chút, từng chút dầu vào. Khi thấy dầu hòa hết vào với đậu thì mới tiếp tục cho lượng dầu tiếp theo, không đổ hết dầu vào cùng một lúc để tránh tình trạng nhân đậu bị tươm dầu khi ra thành quả.Tiếp tục khuấy đều cho đến khi nhân mềm, mịn và dẻo, không bị tươm dầu, không dính tay và có độ đứng nhất định.
Để biết nhân đã đạt hay chưa, bạn có thể thử bằng cách khi nhân còn nóng, các bạn lấy một phần nhỏ và vo tròn, để đứng trên một mặt phẳng, nếu nhân giữ nguyên hình dáng, có thể đứng thẳng, không bị chảy mềm nhão nghĩa là nhân đã đạt.
Bước 4: Sau khi nhân đậu xanh sên đã đạt, bạn để nguội bớt rồi bắt đầu chia thành từng phần nhỏ để chuẩn bị cho công đoạn đóng bánh. Khối lượng của từng nhân tùy thuộc vào kích thước của khuôn bạn sử dụng. Thông thường với bánh dẻo, phần nhân và phần bánh sẽ chia theo tỉ lệ 1:1. Tức là nếu khuôn của bạn là 70gr thì phần nhân sẽ là 35gr, và phần vỏ là 35gr. Sau khi làm nhân, nhớ lấy bọc thực phẩm bọc từng phần nhân lại để nhân không bị khô trong quá trình chờ đợi làm vỏ bánh.
2.2. Làm vỏ bánh
Bước 1: Cho sữa tươi không đường và đường vào trong một chiếc nồi nhỏ, khuấy đều cho đường tan bớt sau đó đun sôi hỗn hợp này lên, để nguội rồi cho tinh dầu hoa bưởi vào.
Bước 2: Trộn đều bột bánh dẻo với shortening rồi đổ hỗn hợp nước vừa đun vào, sau đó tiến hành nhào bột. Dùng mu bàn tay nhào kỹ cho tới khi thấy bột thành một khối mịn, dẻo thì dừng.
Bước 3: Sau đó dùng màng bọc thực phẩm bọc bột đã nhào lại bột khỏi bị khô, cho vào tủ lạnh và để nghỉ trong khoảng 30 phút.
2.3. Đóng bánh
Bước 1: Sau khi phần vỏ bánh dẻo đã nghỉ đủ, lấy bột ra, chia thành từng phần nhỏ. Khối lượng của vỏ bằng 1/2 khối lượng bánh.
Bước 2: Dùng cán, cán dẹt phần vỏ bánh rồi cho nhân bánh vào giữa, gói tròn lại để nhân nằm trọn trong lớp vỏ bánh. Làm liên tục như thế cho đến khi hết phần vỏ và phần nhân.
Khi cán bột không nên cán quá mỏng tránh tình trạng bị nứt bánh, hay lộ phần nhân khi đóng bánh, đồng thời cũng tránh tình trạng phần thì mỏng vỏ quá, phần thì lại dày vỏ quá.
Bước 3: Rắc đều một ít bột gạo vào khuôn để chống dính, chú ý các kẽ của khuôn. Sau đó cho bánh vào khuôn, dùng mu bàn tay ấn chặt nhiều lần cho phần bánh vừa khít với khuôn và để cho bánh được rõ nét khi đổ ra.
cuối cùng là đổ bánh ra bằng cách gõ nhẹ khuôn lên mặt phẳng hoặc nếu bánh khó đi ra quá do chống dính chưa kĩ, bạn có thể để khuôn bánh cách mặt bàn (hoặc mặt đĩa) khoảng 2-3 cm, hướng phần đế về phía mặt phẳng, rồi dùng vật nặng gõ nhẹ lên đỉnh khuôn và bánh sẽ nhẹ nhàng rơi xuống.
Để cho ra loại bánh có màu sắc và hương vị khác nhau bạn có thể thay nước trong công thức bằng các loại nước pha bột trà xanh, bột ca cao, các loại tinh dầu lá nếp, siro… Nếu chưa dùng bánh liền thì bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
Cách làm bánh Trung thu lạnh Singapore mà chúng tôi vừa giới thiệu hy vọng đã góp phần gợi mở cho bạn ý tưởng mới mẻ về món quà trong lễ đoàn viên sắp tới, chắc chắn những người thân yêu của bạn sẽ mê tít cho mà xem. Chúc các bạn thực hiện thành công!
Bảo Tiên tổng hợp