Trẻ sơ sinh bị thiếu máu sẽ bị ảnh hưởng nguy hại đến sự phát triển về thể chất và cả mặt tinh thần. Chính vì vậy mẹ hãy chú ý quan sát, chăm sóc bé cẩn thận để sớm phát hiện nhằm khắc phục ngay cho con trẻ luôn mạnh khỏe.
1.Những trường hợp trẻ sơ sinh dễ bị thiếu máu.
Hầu hết trẻ sơ sinh đều có nguy cơ bị thiếu máu, nhưng một số trường hợp sau các bé sẽ có khả năng bị thiếu máu cao hơn hẳn trẻ bình thường:
– Trẻ sơ sinh do sinh non và nhẹ cân: Bà bầu có chế độ dinh dưỡng tốt trong suốt quá trình mang thai sẽ dự trữ đủ lượng chất sắt cần thiết cho cơ thể trẻ sơ sinh phát triển trong vòng 4-6 tháng. Tuy nhiên, đối với trẻ bị sinh non lượng dự trữ sắt rất ít và chỉ cung cấp trong khoảng 2 tháng.
– Trẻ dưới 1 tuổi dùng sữa bò sớm: Trong sữa bò chứa rất ít chất sắt và đồng thời còn làm giảm khả năng hấp thu sắt của cơ thể trẻ nhỏ. Ngoài ra, sữa bò còn có thể gây kích ứng niêm mạc ruột và làm chảy máu đường ruột. Vì vậy những bé dưới 1 tuổi sử dụng sữa bò có nguy cơ bị thiếu máu cao.
– Chế độ ăn của trẻ sơ sinh bị thiếu sắt: Trong chế độ ăn dặm của trẻ sơ sinh bị thiếu hụt các thực phẩm giàu sắt, hoặc mẹ không thường xuyên cung cấp thức ăn giàu sắt khiến bé bị thiếu sắt và thiếu máu.
2.Những nguy hại khi trẻ sơ sinh bị thiếu máu.
– Trẻ bị thiếu máu cơ thể sẽ trở nên suy yếu, mệt mỏi và thường xuyên quấy khóc, cộng thêm là tình trạng biếng ăn lâu ngày dẫn đến bé bị suy dinh dưỡng. Trẻ sẽ có nước da xanh xao và nhợt nhạt.
– Thiếu máu tức là cơ thể bị thiếu hồng cầu cung cấp oxy gây ra hiện tượng thiếu oxy đến các cơ quan trong cơ thể. Trẻ sơ sinh bị thiếu rất dễ gặp các vấn đề về tim, do nhịp tim phải tăng cao để đẩy máu đi đến các cơ quan khác và khiến tim đập nhanh bất thường, gây rối loạn nhịp và rất có thể dẫn đến suy tim nguy hiểm.
– Trường hợp bé bị thiếu máu nặng sẽ gặp khó khăn trong vận động như chậm biết ngồi, biết đứng và biết đi. Bên cạnh đó, tóc của trẻ cũng mọc lưa thưa dễ gãy rụng, móng tay và móng chân yếu.
– Trẻ sơ sinh thiếu máu còn bị chậm phát triển về trí tuệ. Trong trường hợp nếu bé bị thiếu sắt mãn tính nặng trước 1 tuổi, thì cho dù có được bổ sung sắt đi nữa trí tuệ của bé vẫn bị ảnh hưởng, khả năng học tập cũng sẽ kém hơn so với các bạn bè cùng trang lứa.
– Đối với trẻ sơ sinh bị thiếu máu, hệ miễn dịch của bé sẽ suy yếu và rất dễ mắc các bệnh nhiễm trùng như: viêm họng, viêm phổi, hay tiêu chảy…
3.Những điều mẹ cần lưu ý.
– Bổ sung các loại thịt, cá và các loại rau giàu chất sắt vào chế độ ăn của con trẻ.
– Cho trẻ dùng nhiều loại thực phẩm chứa vitamin C, sẽ giúp hỗ trợ chuyển hóa chất sắt trong cơ thể tốt hơn.
– Tuyệt đối không bổ sung cùng lúc sắt và canxi cho trẻ, vì canxi sẽ cản trở quá trình hấp thu chất sắt khiến bé bị thiếu máu trầm trọng hơn.
– Cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời.
– Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho con nhỏ uống sắt bổ sung, vì thừa sắt sẽ rất dễ bị ngộ độc.
Bảo An (t/h)