Theo một nghiên cứu của tạp chí Nhi khoa Jama cho thấy các đồ chơi công nghệ và ngay cả những đồ chơi được thiết kế đặc biệt giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ cũng đem lại hiệu quả thấp hơn sách, đồ chơi xếp hình và các đồ chơi truyền thống
Cùng với sự phát triển của khoa học – kỹ thuật và sự bùng nổ của ngành công nghệ thông tin, những món đồ chơi thông thường dần được thay thế bởi những đồ chơi công nghệ và chiếm được rất nhiều “cảm tình” từ các bé. Không ai có thể phủ nhận giá trị giải trí và giáo dục của những món đồ chơi đó. Tuy nhiên, nếu trẻ em dành quá nhiều thời gian vào đồ chơi hiện đại có thể dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc sau này.
Vậy làm sao để bé hạn chế sử dụng đồ chơi công nghệ? Bài viết dưới đây sẽ hi vọng sẽ cung cấp cho các bậc phụ huynh một vài gợi ý hữu ích trong việc đó:
1. Giải thích cho bé hiểu
Việc xây dựng ý thức cho bé trong những năm đầu đời có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng đối với cả quá trình phát triển và hoàn thiện nhân cách của bé. Cũng như việc giúp bé hình thành thói quen và ý thức tự giác trong học tập, mẹ cũng cần định hướng cho bé thói quen giải trí bằng đồ chơi công nghệ một cách khoa học, hợp lý.
Khi cho bé chơi mẹ cần giải thích cho bé hiểu rõ, đồ chơi công nghệ chỉ là công cụ để giải trí và nó chỉ phát huy tác dụng phát triển trí tuệ khi bé biết cân bằng giữa việc học, giải trí bằng đồ chơi công nghệ và đồ chơi phát triển thể chất.
Đồng thời, mẹ cũng cần nhấn mạnh tác hại khi dành quá nhiều thời gian để chơi các đồ chơi công nghệ như: gây hại cho mắt (cận thị, loạn thị, thậm chí mù lòa), là nguyên nhân của bệnh béo phì do thiếu vận động, hạn chế khả năng giao tiếp, gây ra các triệu chứng trầm cảm…
Đặc biệt, nếu thường xuyên chơi đồ chơi công nghệ, có thể gây nghiện, làm bé bỏ bê việc học tập, ảnh hưởng đến tương lai của bé.
2. Cho bé chơi các trò chơi truyền thống
Theo một nghiên cứu của tạp chí Nhi khoa Jama cho thấy các đồ chơi công nghệ và ngay cả những đồ chơi được thiết kế đặc biệt giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ cũng đem lại hiệu quả thấp hơn sách, đồ chơi xếp hình và các đồ chơi truyền thống.
Thị trường đồ chơi truyền thống của Việt Nam được biết đến với rất nhiều món đồ chơi không chỉ an toàn về chất liệu mà còn mang tính giáo dục cao như: Đèn lồng, mặt nạ, đất sét nặn, đồ chơi xếp hình, nhạc cụ bằng gỗ hoặc tre, nứa (đàn, trống)… Những món đồ chơi truyền thống không chỉ giúp các bé có những giờ giải trí vui vẻ mà còn giúp các bé phát huy sự sáng tạo, rèn luyện các giác quan, kỹ năng, mở mang kiến thức và hiểu biết về lịch sử nước nhà và thế giới xung quanh.
3. Quản lý thời gian chơi đồ chơi công nghệ
Trong thời đại hiện nay, rất khó để bé tuyệt đối không chơi đồ chơi công nghệ. Hơn nữa, nếu biết cách điều chỉnh thời gian cho bé chơi phù hợp thì đồ chơi công nghệ cũng mang lại sự ảnh hưởng tích cực cho sự phát triển toàn diện của bé.
Vì vậy, phương pháp tốt nhất là mẹ cần có sự quản lý thời gian chơi của bé sao cho phù hợp. Chẳng hạn như thời gian tối đa với bé từ 2 – 6 tuổi, theo các chuyên gia khuyến cáo là không quá 30 phút. Trước khi cho bé chơi, bố mẹ cần giải thích cho bé hiểu và đặt ra một thời gian biểu cụ thể, quy định rõ thời gian bé được phép chơi đồ chơi công nghệ (điện thoại, Ipad, máy tính và kể cả tivi). Ngoài ra, bố mẹ cũng cần giám sát,nhắc nhở thường xuyên để bé nghiêm túc thực hiện theo thời gian biểu.
4. Để xa tầm mắt bé
Ý thức của bé rất quan trọng nhưng đa số trẻ em còn ham chơi và khó tránh khỏi sự “cám dỗ” của những món đồ chơi công nghệ nếu chúng ở trong tầm mắt. Do vậy, để quản lý được thời gian chơi đồ chơi công nghệ của bé, bố mẹ không nên đặt tivi, máy tính trong phòng của trẻ, không mở tivi, máy tính cho trẻ trong lúc ăn hay lúc trẻ học bài, ngắt kết nối mạng khi không dùng đến…
Đồng thời, mẹ cũng không nên có những “ưu tiên” sử dụng đồ chơi công nghệ đối với bé khi bé không chịu ăn, không học bài hoặc không làm việc nhà… Những việc làm đó vô tình hình thành thói quen và lối suy nghĩ phải có điều kiện thì mới chịu thực hiện ở bé.
Ngọc Hân