Thiết kế website Thủ công mỹ nghệ đòi hỏi sự tinh tế từ đường nét, màu sắc, font chữ, hình ảnh đến lời văn của người thiết kế. Dịch vụ thiết kế web thủ công mỹ nghệ của Thiết Kế Website Đẹp đảm bảo làm được điều này giúp quý khách hoàn toàn tự tin khi giới thiệu sản phẩm của mình trên website.
————————————————-
Thu Hồng là địa danh làng nghề tre trúc truyền thống nổi tiếng, tên tự là thôn Thu Thủy, thuộc xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Thu Hồng nằm ven sông Cà Lồ chảy ra sông Cầu tại ngã ba Xà, có quốc lộ 16 chạy qua. Thửa xưa, dân làng sống bám theo sông Cà Lồ, đóng bè kéo vó kiếm kế sinh nhai.
Nghề tre trúc Thu Hồng tồn tại hơn 300 năm. Hàng năm, cứ đến ngày 12 tháng 9 âm lịch, dân làng mở hội rước kiệu, tế lễ. Tục lệ này vẫn tồn tại đến ngày nay. Sản phẩm của làng tre trúc Thu Hồng chắc, giản dị, nhưng đẹp, như: nhà tre, trường kỷ, giường tre, rổ rá,…
Nhà tre vách nứa của Thu Hồng đã đi theo kháng chiến phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Hội trường tre lá ở Trung Giã phục vụ Hội nghị ký hiệp định đình chiến năm 1954 do những người dân Thu Hồng xây dựng.
Quá trình phát triển nghề tre trúc Thu Hồng đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, có lúc tưởng chừng như sắp mai một. Đến nay, làng nghề tre trúc truyền thống Thu Hồng đang dần hồi phục và phát triển nhờ có đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về khôi phục phát triển nghề và làng nghề truyền thống.
Theo số liệu báo cáo năm 2000: tổng diện tích làng nghề khoảng 200 mẫu Bắc bộ, diện tích canh tác gần 160 mẫu. Gồm 408 hộ dân với 2000 nhân khẩu. Tại xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn hiện có Hợp tác xã tre trúc Thu Hồng, với hơn 100 lao động và doanh thu bình quân trên 200 triệu đồng/ năm; thu nhập bình quân đầu người hiện nay khoảng 500.000 đồng/tháng. Sản phẩm của HTX tre trúc Thu Hồng đang được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng như: nhà sàn, nhà lục lăng, bát giác bằng tre mái lợp lá gồi có thể tháo lắp dễ dàng; các loại bàn ghế gấp bằng tre; các loại đèn cây, đèn treo tường, khay trà,…
Cũng như bao làng nghề khác ở đất Thăng Long, với hơn 300 năm tồn tại, làng nghề tre trúc Thu Hồng đã trải qua bao thăng trầm. Có thời gian tưởng như nghề sẽ dần mai một, nhất là từ khi làng gọi tên Thu Thủy. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, hàng hóa trở nên phong phú nhiều chủng loại, nhiều chất liệu, hàng từ Trung Quốc sang rẻ, bắt mắt, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Vì thế, dân làng cũng chuyển đổi các xưởng sản xuất đồ tre trúc sang các nghề khác dễ kiếm tiền hơn như buôn bán phế liệu, đúc xoong nồi…
Mỗi làng quê Bắc Bộ đểu ẩn mình sau lũy tre làng. Tre trúc rất đỗi gần gũi thân quen. Người ta vẫn không thể gạt sản phẩm từ tre ra khỏi cuộc sống. Với nét giản dị, mộc mạc, dân dã mang tính truyền thống, sản phẩm tre trúc của làng Thu Hồng xưa giờ đây lại sống dậy, hòa mình vào cuộc sống nhộn nhịp phố phường, hay yên bình nơi thôn dã. Người thợ trong làng năng động, mải miết tạo những nét quê, nét truyền thống cho mỗi sản phẩm. Ngoài sản phẩm truyền thống, họ còn làm những sản phẩm với quy mô lớn hơn như nhà ở, các công trình kiến trúc.
Với chính sách khôi phục các làng nghề truyền thống của Đảng và Nhà nước, đã có bao làng nghề bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài. Tre trúc Thu Hồng cũng vậy. Giờ đây, vào làng ta vẫn thấy các nghệ nhân làng say sưa đục đẽo trên thân tre mảnh dẻ, dẻo dai. Lòng tâm huyết với nghề là sức mạnh để duy trì và phát triển một làng nghề truyền thống.
Hà Nội đã khôi phục lại làng nghề tre trúc Thu Hồng nơi lưu giữ nghề truyền thống của ông cha, với những sản phẩm đậm nét truyền thống dân dã, thôn quê. Tuy nhiên, để thúc đẩy làng nghề hưng thịnh như đã từng có trước đây rất cần được sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền thành phố và các ngành chức năng.
Theo LNVN