Bạn đang là sinh viên hay đã tốt nghiệp, đang làm một công việc gì đó hay là một nhà doanh nghiệp (DN) trẻ. Điều bạn muốn là xây dựng thành công một DN của chính mình.
Chắc hẳn, bạn đã đọc sách hướng dẫn khởi nghiệp, tham khảo kinh nghiệm của những người đi trước hay xem qua cách xây dựng DN trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Đôi lúc, bạn cảm thấy choáng ngợp và không định hướng được mình sẽ phải làm những gì. Lý do là sách báo, tư liệu hay kinh nghiệm bạn tiếp cận có thể không được trình bày một cách hệ thống.
Theo tôi, xác định hướng đi là điều quan trọng nhất. Bạn có thể đi nhanh, chậm nhưng hãy luôn bảo đảm rằng bạn đang đi đúng hướng. Tương tự, để quá trình xây dựng một DN thành công, trước tiên bạn cần phải nắm rõ được những điều kiện cần của nó.
1. Ý tưởng: Chỉ cần một
Thời đại ngày nay là thời đại của ý tưởng. Tốc độ của thông tin nhanh đến mức ý tưởng có thể bùng nổ trong một khoảng thời gian cực ngắn. Không cần mất một khoảng thời gian ròng rã để gầy dựng như trong thời đại công nghiệp, ý tưởng trong thời đại thông tin dường như đã được cung cấp tất cả những phương tiện cần thiết để trở thành hiện thực.
Hàng vạn cuốn bách khoa toàn thư không thể đánh bại được mạng toàn cầu Internet, về lưu trữ, tìm kiếm hay cập nhật. Hơn nữa, sự quá tải thông tin trong thời đại thông tin khiến người ta cần một ý tưởng để khác biệt hóa chính mình. Khác biệt để làm gì? Tồn tại. Hay nói như Jack Trout, tác giả nổi tiếng của loạt sách “best-seller” về marketing, “Khác biệt hay là chết”.
Từ đó, copy-writing đã trở thành nghề thời thượng trong thời đại này. Việc tìm kiếm tư tưởng mới khó khăn và thử thách đến mức người ta “chỉ cần một ý tưởng”. Việc thực hiện ý tưởng ấy dễ dàng hơn nhiều. Tất nhiên là những ý tưởng đưa ra phải có khả năng thực hiện được và sự khác biệt về giá trị giữa một ý tưởng viễn vông và một ý tưởng khả thi cũng nằm ở đấy. Có điều ý tưởng không mất tiền mua. Nó xuất phát từ suy nghĩ và hầu như không tốn một khoản chi phí nào.
Cho nên, việc tìm kiếm một ý tưởng khả thi không phải là vấn đề quá nan giải. “Brain-storming” là một điển hình tiêu biểu cho sức mạnh của sự sáng tạo của con người. May mắn làm sao, sức sáng tạo ấy là vô tận. Vì vậy, nếu cảm thấy mình có khả năng tìm kiếm hoặc nảy ra ý tưởng, xin chúc mừng bạn, vì bạn đã có trong tay vũ khí hàng đầu của thời đại này.
2. Vốn: Không khó như bạn nghĩ
Chúng ta vẫn luôn được nghe rằng ý tưởng chỉ mãi là ý tưởng, nếu nó không được thực hiện. Mặc dù, một ý tưởng trung bình và 1 tỷ đồng không phải lúc nào cũng tốt hơn một ý tưởng xuất sắc và không có đồng nào cả, nhưng trong nhiều trường hợp thì đúng là tốt hơn thật. Cho dù ý tưởng xuất sắc mà không có vốn thì ý tưởng cũng chỉ là ý tưởng không hơn không kém.
Thông thường, người ta mua ý tưởng để biến thành hiện thực, chứ không mua ý tưởng để trưng bày. Vì vậy dù bạn có hàng loạt ý tưởng tuyệt vời nhưng hãy xem lại nguồn vốn có đủ để biến nó thành hiện thực hay không.
Tôi đã từng nghe nhiều người nói “Tôi đành bỏ qua ý tưởng tuyệt vời này vì chẳng kiếm đâu ra tiền để thực hiện nó”, “Phải có tiền thì mới nghĩ đến ý tưởng chứ”, hay “Tôi sẽ bán ý tưởng này cho ai đó vì tôi sẽ chẳng bao giờ đủ tiền để thực hiện nó cả”. Quả thật, nhìn nhận của đa số mọi người về tiền thật là hạn hẹp. Cho nên, họ không thấy được thật ra tiền bạc đầy rẫy xung quanh chúng ta. Như một quy luật, nếu bạn nghĩ bạn không làm được thì sẽ chẳng bao giờ bạn làm được.
Có thể nhiều loài cá khác cũng có thể vượt vũ môn để hóa rồng nhưng chúng nghĩ rằng không thể làm được vì chúng không phải là cá chép. Thế là, chúng cứ an phận làm cá của mình. Nếu bạn biết được không phải chỉ có tiền mới có thể làm ra tiền, cũng như bằng con đường chân chính thì không có tiền vẫn có thể tạo ra nhiều tiền. Hẳn bạn sẽ thay đổi suy nghĩ của mình về tiền bạc.
Gia đình, bạn bè là những nguồn vốn mà bạn có thể huy động nhanh khi cần thiết. Ngoài ra, nếu thử nhìn vào danh sách những nguồn vốn của các nhà đầu tư mạo hiểm, ngân hàng, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ, có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên về mức độ phong phú và dồi dào của nó. Từ nguồn vốn hỗ trợ các ngành nghề nhất định đến nguồn vốn dành cho đại chúng. Từ nguồn vốn vài trăm triệu đến vài trăm tỉ đồng.
Thực tế, đôi khi tìm nguồn vốn còn dễ hơn tìm một ý tưởng khả thi. Tiền bạc không quá quan trọng, vì nếu bạn không thể tiếp cận với nguồn vốn này, bạn có thể tìm được cùng số tiền đấy từ nguồn vốn khác. Ý tưởng thì không đơn giản như vậy. Chắc bạn cũng đồng ý rằng, những vấn đề gì có thể chuyển đổi thành tiền thì đều có thể giải quyết dễ dàng hơn nhiều. Như vậy, hãy nắm rõ tầm quan trọng không thể thiếu của nguồn vốn, nhưng luôn nhớ rằng, không phải bạn luôn chỉ có một cánh cửa để gõ.
3. Yếu tố con người: Tinh thần doanh nhân
Nếu muốn trở thành chủ DN thành công, bạn cần phải có tinh thần doanh nhân. Đó chính là yếu tố giúp bạn thành công trong việc xây dựng, duy trì và phát triển một DN.
Khát khao chinh phục mục tiêu
Một điều dễ thấy ở các doanh nhân là họ đều có đích đến và không ngừng lao về nó. Dù khó khăn, trở ngại có thể làm họ ngã hoặc chùn chân trong chốc lát nhưng rồi họ lại tiếp tục lao về nó. Sự khát khao đó khiến mục tiêu của họ mỗi lúc một gần hơn. Khi đạt được một mục tiêu nhỏ, họ lại tiếp tục hành trình chinh phục mục tiêu mới lớn hơn, cam go và thử thách hơn.
Kiên định và dũng cảm
Khi Bill Gates rời Đại học Havard, nhiều người cho rằng ông là đồ dở hơi, ngốc nghếch, thậm chí điên khùng. Nhưng rồi chúng ta có thể nhận thấy bây giờ ông đang ở vị trí nào. Trong khi, những người từng chê bai ông ngày xưa đang ở vị trí nào. Nhà bác học Einstein từng nói: “Những tinh thần vĩ đại luôn gặp sự chống đối dữ dội của những đầu óc nhỏ bé”. Một doanh nhân thực thụ cần có đủ gan dạ, dũng cảm để đối mặt với tất cả những lời gièm pha và chỉ trích của tất cả mọi người xung quanh, để tiếp tục đi trên con đường anh ta đã chọn.
Luật 90/10 nói rằng, 10% dân số thế giới nắm giữ 90% tổng số tài sản. Trong khi, 90% dân số chia nhau 10% tồng số tài sản còn lại. Chân lý không phải lúc nào cũng thuộc về số đông. Là một doanh nhân, bạn cần có sự kiên định và dũng cảm để có thể tham gia vào nhóm 10% dân số đấy.
Học tập từ thất bại
Trên thực tế, không ai thành công mà chưa một lần thất bại. Để đi đến thành công cuối cùng, bạn sẽ phải vấp ngã nhiều lần. Vấn đề là chúng ta đối mặt với những thất bại ấy thế nào. Nếu bạn thất vọng, chán chường và bỏ cuộc, thì bạn sẽ thật sự là người thất bại. Nếu bạn học hỏi từ những thất bại ấy, bạn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Tại Texas người ta nói rằng: “Ai cũng muốn lên thiên đàng, chẳng ai muốn chết cả”.
Giống như vậy, hầu như ai cũng muốn thành công mà không muốn trải qua thất bại. Doanh nhân thì khác, họ dám đương đầu với thất bại, mong muốn học được điều gì đó bổ ích từ nó, để từ đó có thể tự hoàn thiện và đổi mới bản thân. Tuy nhiên, xin nhắc bạn, một doanh nhân học tập từ những thất bại để mạnh mẽ hơn khác hẳn một kẻ liều lĩnh đi từ thất bại này đến thất bại khác do tính bất cẩn và thiếu tổ chức của mình.
Muốn làm việc với những người giỏi hơn mình
Nếu bạn quản lý một đội ngũ giỏi hơn hẳn bạn về chuyên môn, bạn có cố gắng để vượt trội hơn tất cả họ hay không. Rất tiếc nếu bạn trả lời là có. Cố gắng để giỏi hơn không phải là một ý kiến tồi, nhưng đối với một doanh nhân, có được một ê-kíp xuất sắc hơn anh ta về mọi mặt mới là mục tiêu quan trọng. Nếu chủ DN đó giỏi hơn tất cả mọi người trong công ty, tôi tin rằng công ty sẽ rất khó tồn tại và phát triển.
Hãy tập lắng nghe những người giỏi hơn bạn trong lĩnh vực chuyên môn của họ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Nếu tập hợp một đội ngũ làm việc xuất sắc là mục tiêu của bạn, thì xin thành thật chúc mừng bạn đã có được suy nghĩ của một doanh nhân thực thụ.
Lời kết:
Bạn có thể có tất cả các yếu tố tinh thần trên hay bạn chẳng có yếu tố nào. Điều này không sao hay ít ra không quan trọng bằng việc bạn sẽ mang tinh thần này vào công việc kinh doanh của bạn hay không. Nếu bạn đã có sẵn những tinh thần doanh nhân đáng quý này, hãy trau dồi nó. Nếu bạn chưa có, hãy bắt đầu tập luyện và thay đổi cách suy nghĩ. Nếu bạn có thể giữ vững tinh thần của một doanh nhân thực thụ, tôi tin rằng rồi bạn sẽ thành công.
Vấn đề nằm ở chỗ ý tưởng, vốn và tinh thần doanh nhân đều chỉ là điêu kiện cần để xây dựng thành công một DN. Điều kiện đủ chính là cách bạn xây dựng DN đấy như thế nào. Nói cách khác, đây cũng chính là cách thức bạn xây dựng một kế hoạch kinh đoành để biến ý tưởng của mình thành hiện thực và duy trì nó bằng nguồn vốn và tinh thần doanh nhân của chính bạn.
(theo Thời báo KTSG)