Thêm ba lỗi mà doanh nhân mới khởi nghiệp thường mắc phải: bị những kẻ bi quan làm cho thui chột ý chí, từ chối lắng nghe nhu cầu thực tế của thị trường, và không biết cách giao phó công việc.
“Chẳng có nơi nào chấp nhận anh đâu”, người đàn ông nói với tôi bằng dáng vẻ khinh khỉnh. Ánh mắt của ông là sự trộn lẫn giữa khinh miệt và tội nghiệp, đúng ánh mắt mà mọi người thường ban cho những kẻ hành khất… Dù gì đi nữa, ông ấy cũng là quản lý cấp cao của một doanh nghiệp lớn, chắc chắn có kinh nghiệm nhận biết một ý tưởng kinh doanh có đáng thực hiện hay không. Và ông đã kết luận rằng tôi nên ngừng ngay trước khi bắt đầu.
Nhưng, may thay, tôi không dễ nghe lời những kẻ ưa bàn ra. Tôi đã phớt lờ lời khuyên đừng mơ ngủ giữa ban ngày rằng sẽ thành lập công ty tư vấn chuyên về thị trường Trung Quốc và tính phí cao hơn các tập đoàn toàn thế giới như McKinsey và Bain. Năm năm sau, tôi ở vị trí này, điều hành doanh nghiệp có khả năng thắng hợp đồng cạnh tranh với các đối thủ cứng cựa.
Ngày ấy, khi tôi trình bày ý tưởng về doanh nghiệp sắp thành lập, thì không chỉ ông quản lý nói trên, mà rất nhiều người khác đã nói tôi không thể thành công, nên hãy bỏ cuộc. Mọi người nhìn tôi cứ như thể tôi là thằng ngốc ngây ngô đang có những ảo mộng rồ dại. Nhưng, tôi không để bất cứ ai hay bất cứ gì ngăn mình.
Bất cứ doanh nhân nào hẳn cũng nhận nhiều lời chê bai, chỉ trích khi bắt đầu lập nghiệp. Thế nên, doanh nhân sẽ mắc sai lầm lớn nếu để cho những kẻ ưa bàn ra đó làm thui chột ý chí.
Thành lập công ty có nghĩa là sự đột phá, là thay đổi trật tự thế giới, và làm thành công điều mà mọi người nghĩ rằng phi hiện thực. Đâu có ai nói với Steve Jobs rằng ông có thể lèo lái Apple đánh bại Microsoft. Đâu có ai từng khuyên Bill Gates bỏ học Harvard. Có bao nhiêu người thực sự tin rằng Howard Shultz có thể thành lập chuỗi cửa hàng cà phê Starbucks bán ra ly cà phê đến 4 USD trong khi mọi người có thể mua chỉ 1 USD một ly ở bất cứ góc đường nào.
Đừng bao giờ để những kẻ bi quan và ưa bàn ra ngăn bước đường làm doanh nhân của bạn. Bạn gặp những kẻ như vậy nhiều vô số…
Dĩ nhiên, bạn cũng không thể quá cứng đầu và từ chối nghe lời khuyên từ mọi người. Nhưng đừng bao giờ dễ dàng lung lay bởi những hoài nghi và e ngại. Nếu thành lập doanh nghiệp mà dễ thì ai cũng có thể làm. Hãy để những người ưa bàn ra đó trở thành động lực thúc bạn tiến tới, thành công để chứng minh rằng họ đã sai.
Lỗi thứ hai là nhiều doanh nhân chưa lắng nghe nhu cầu thị trường. Hầu hết doanh nhân tự tin rằng mình có ý tưởng thay đổi thế giới và chỉ cần như vậy là đủ. Không phải vậy. Là doanh nhân thì phải nghĩ đến chuyện kiếm tiền nữa. Phải bảo đảm có người sẵn lòng bỏ tiền ra mua sản phẩm hoặc dịch vụ. Điều đó đồng nghĩa với việc lắng nghe để đáp ứng đúng nhu cầu thị trường.
Cụ thể như trường hợp tôi thành lập công ty tư vấn thị trường Trung Quốc này, thì lắng nghe nhu cầu thị trường đồng nghĩa với việc phỏng vấn giám đốc, lãnh đạo của các tập đoàn đang có ý định tấn công vào thị trường Trung Quốc. Họ cần dịch vụ tư vấn gì? Họ đánh giá các công ty tư vấn khác như thế nào? Họ sẵn lòng chi trả bao nhiêu cho dịch vụ đạt chất lượng?
Câu trả lời của họ dẫn dắt các quyết định của tôi. Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là khách hàng thể hiện thái độ không hài long vì các công ty tư vấn lớn thường sử dụng chương trình PowerPoint hoặc để những nhân viên phân tích cấp thấp thực hiện công việc, chứ không tư vấn sát hợp và chuyên nghiệp như yêu cầu.
Bên cạnh đó, khách hàng không thích việc các công ty tư vấn lớn thuê đơn vị thứ ba thực hiện khảo sát và nghiên cứu, vì sẽ tạo rắc rối trong việc kiểm soát chất lượng dữ liệu. Thế nên, tôi quyết định không thuê ngoài và tự quảng bá mình với thế mạnh nghiên cứu thị trường và cơ sở dữ liệu tốt.
Ngoài ra, khách hàng cho biết họ đầu tư hàng tỷ USD vào TQ, nên chẳng bận tâm nếu công ty tư vấn tính phí 500.000 USD hay 5 triệu USD. Điều quan trọng là chiến lược tư vấn giúp họ thành công. Cạnh tranh về giá cả là tư tưởng có thể sai lầm, bởi vì chẳng ai cân nhắc giá rẻ hay đắt cho những dự án lớn có thể thay đổi doanh nghiệp.
Sau khi nghiên cứu thị trường, tôi nhận thấy: khách hàng đòi hỏi dịch vụ chất lượng và có sự khác biệt để đem đến thành công. Và vì thế, chẳng cần phải là giá rẻ. Dù bạn là công ty tư vấn, bán cà phê hay phần mềm, thì cũng phải lắng nghe thị trường để quyết định chính sách giá và sản phẩm mình cung cấp sao cho đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Sai lầm cuối cùng là các doanh nhân mới khởi nghiệp thường hạn chế giao việc. Hãy biết giới hạn của mình để ủy thác và giao việc càng nhiều càng tốt. Nếu không, thì chẳng thể tiến triển được bao xa.
Tôi biết mình có kỹ năng bán hàng, nhưng yếu về kế toán và những lĩnh vực khác. Vậy nên, tôi lập công ty với các thành viên có những kỹ năng và tính cách khác nhau.
Sergei Brin và Larry Page rất thông minh khi rời vị trí CEO của Google, để nhường lại việc điều hành doanh nghiệp cho Eric Schmidt, còn mình thì làm chủ tịch và có thời gian tập trung vào lĩnh vực mình có khả năng.
Đối với công ty tư vấn thì chất lượng dịch vụ không nhất thiết tỷ lệ thuận với quy mô công ty. Tôi biết rằng nếu tìm được hai, ba nhóm dự án giỏi thì doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh với các tập đoàn lớn ngay từ ngày đầu thành lập. Nhưng, làm thế nào tôi thu hút nhân tài từ tay những tập đoàn lớn như McKinsey và Goldman Sachs? Điều đó khó thật. Tôi chỉ có thể cung cấp môi trường làm việc linh hoạt, nhỏ gọn mà mọi nhân viên có thể gặp quản lý cấp cao hàng ngày.
Thành lập doanh nghiệp là điều khó, nhưng rất lý thú. Để tối đa hóa cơ hội thành công, hãy nhớ thành lập đội ngũ làm việc giỏi, theo dõi để đáp ứng nhu cầu thị trường. Và quan trọng nhất, đừng bao giờ để những kẻ ưa bàn ra làm thui chột ý chí của mình!
Theo Doanh Nhân Sài Gòn